Dinh dưỡng tại nhà cho bệnh nhân sau đột quỵ là vấn đề mà gia đình hay người nhà bệnh nhân đột quỵ nào cũng băn khoăn, trở ngại mà không biết hỏi ai.
Chương trình VOH Sức khỏe và cuộc sống số 30, BTV Kim Ánh cùng BSCK II Nguyễn Thị Kim Loan - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Thống Nhất đã cùng trao đổi và mang lại cho khán - thính giả những kiến thức hữu ích về vấn đề này. Mở đầu, bác sĩ Kim Loan cho hay đột quỵ là nguyên nhân gây ra những tổn thương lâu dài, thậm chí tàn tật ở người bệnh. Chính vì vậy, bệnh nhân sau đột quỵ cần có chế độ dinh dưỡng đúng cách để có thể phục hồi. Vậy chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý, người chăm sóc cần phải lưu ý những gì, bác sĩ Kim Loan dành thời gian để giải đáp tường tận những câu hỏi trên cho người nghe.
Theo đó, vấn đề về dinh dưỡng mà bệnh nhân sau đột quỵ thường gặp nhất chính là suy dinh dưỡng, tỉ lệ lên đến 50%. Việc không đủ dinh dưỡng làm tăng sự trầm trọng của biến chứng và tử vong. Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng có thể là rối loạn chức năng nuốt (32% - 80% bệnh nhân gặp phải). Điều này gây cản trở bệnh nhân nạp chất dinh dưỡng bằng đường miệng, từ đó gây thiếu hút về dinh dưỡng, thiếu nước và thậm chí gây viêm phổi.
Vì sao chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhật sau đột quỵ cần nhiều lưu ý đặc biệt?
- Chế độ ăn của bệnh nhân sau đột quỵ tùy vào tình trạng rối loạn nuốt nặng hay nhẹ, có thể qua miệng, qua ống thông, hoặc dinh dưỡng tĩnh mạch hỗ trợ.
- Bệnh nhân dễ gặp rối loạn chức năng thần kinh cơ, giảm cơ, thừa mỡ
- Cơn đột quỵ làm ảnh hưởng đến chức năng não của bệnh nhân, dẫn đến tình trạng chán ăn, không chịu ăn, ăn rồi phun ra...
- Giờ giấc sinh hoạt thay đổi, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân thức vào ban đêm, cần lưu ý giờ giấc sinh hoạt để nạp dinh dưỡng đầy đủ
- Kết cấu thức ăn: chia làm 4 mức
Mềm, nhuyễn như pudding
Mềm, ẩm như thịt xay
Bình thường, gắng sức nhai là nuốt được
Uốc được như nước lỏng bình thường
Vậy, là một người chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ, ta cần phải lưu ý điều gì về dinh dưỡng?
Nuôi ăn đúng
Cụ thể, nuôi ăn đúng tại nhà gồm những nguyên tắc sau:
1. Xác định mức độ dinh dưỡng là bao nhiêu? Có giống với lúc bình thường trước bệnh không
2. Con đường nuôi dưỡng là gì, đường miệng hay đường ống
3. Chuẩn bị sản phẩm nuôi ăn như thế nào để phù hợp với rối loạn nuốt: độ mềm, sệt như thế nào để giảm nguy cơ nuốt sặc
4. Cân đối về khẩu phần, đảm bảo đầy đủ các chất, không thừa không thiếu từ chất đường bột đến các loại vitamin
5. Khẩu phần đảm bảo đủ nước, đủ calo
Dành cho bệnh nhân không tự ăn được
1. Tư thế: đầu để cao khi ăn, từ 30 - 45 độ, hoặc ngồi, lưng thẳng. Duy trì tư thế đó trong 1 giờ sau khi ăn để không trào ngược phổi
2. Vệ sinh thực phẩm, pha chế theo quy định, tư vấn của chuyên gia y tế
3. Nhiệt độ thức ăn không quá lạnh, không quá nóng
4. Thức ăn qua ống thông phải đảm bảo độ dinh dưỡng chuẩn, dinh dưỡng cao nhưng không bị tắc ống
5. Kiểm tra vị trí ống thông, đảm bảo thức ăn vô đúng dạ dày, nếu không phải liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia
6. Kiểm tra bụng trước khi ăn, nếu bụng chướng thì phải báo bác sĩ
7. Có 2 kiểu cho ăn: bơm từng cử hoặc nhỏ giọt, tùy theo hướng dẫn của bác sĩ
8. Nếu bệnh nhân nôn thì ngừng cho ăn ngay và báo bác sĩ, tránh hít sặc
9. Nên cho ăn chậm, không nhanh hơn 15 phút/bữa
10. Thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh nhân, quá trình trao đổi chất, tiêu chảy....
11. Chia nhỏ bữa ăn, chờ cho người bệnh nuốt xong mới ăn tiếp
Tóm lại, chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ là chuyện không hề dễ dàng. Điều quan trọng là người chăm sóc cần được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ bởi điều này cá thể hóa theo mỗi bệnh nhân. Có nghĩa là mỗi người cần một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc khác nhau tùy vào tình trạng bệnh, do vậy, phải tham khảo ý kiến chuyên gia và bác sĩ cẩn thận, kỹ càng.
Viết bình luận