VOH 32: Tư vấn trực tiếp về vấn đề Đột Quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tàn tật lâu dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vậy làm thế nào để phòng chống đột quỵ? Những dấu hiệu nào để nhận biết người có nguy cơ đột quỵ không?

Trong chương trình "VOH Sức khỏe và cuộc sống" số 32, BTV Kim Ngân cùng với Bác Sĩ CKII Lê Điền Trung - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến tại Bệnh viện Trưng Vương - đã giải đáp thắc mắc và cùng nhau chia sẻ nhiều thông tin hữu ích cho khán - thính giả về những vấn đề này.

Hình ảnh sản phẩm

Câu hỏi 1: Làm sao để nhận biết sớm các dấu hiệu của tai biến và đột quỵ nhằm bảo vệ bản thân và gia đình?

  • Dấu hiệu cảnh báo: Những người mắc bệnh tiểu đường lâu năm, đường huyết không kiểm soát được, bệnh nhân tăng huyết áp không ổn định (trên 160-220mmHg), hoặc có rối loạn cholesterol dẫn đến xơ vữa mạch máu, cũng như người trẻ có tiền sử về dị dạng mạch máu não là những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ trong tương lai.

  • Nhận biết sớm đột quỵ:

  • F (Face): Mặt méo, miệng lệch, mắt nhắm không kín.

  • A (Arms): Cánh tay yếu, liệt, cầm nắm dễ rơi đồ.

  • S (Speech): Nói ngọng, lắp bắp, phát âm không rõ.

  • T (Time): Nếu có các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Câu hỏi 2: Khi thấy bệnh nhân đang bị đột quỵ, cần làm gì?

Việc quan trọng nhất là sơ cứu tại chỗ và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có đơn vị điều trị đột quỵ. Gọi 115 cũng là một bước quan trọng, vì nhân viên y tế có thể hướng dẫn sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân và biết được đơn vị điều trị đột quỵ nào gần nhất.

Câu hỏi 3: Hút thuốc ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch và đột quỵ?

Thuốc lá có chứa Nicotin và các chất phụ gia khác gây ra nhiều tác động xấu như tắc mạch, viêm mạch máu, và hình thành mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và não.

Để bỏ thuốc lá, trước hết bạn nên tham khảo ý kiến chuyên viên tâm lý, lập kế hoạch bỏ thuốc và chia sẻ kế hoạch này để nhận sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Tất nhiên, sự quyết tâm từ chính bạn là yếu tố quan trọng nhất.

Câu hỏi 4: Người trẻ có nên sử dụng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe hay không?

Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO), chỉ có 5% dân số thực sự khỏe mạnh, 20% dân số cần điều trị bệnh, và 75% còn lại cũng không hoàn toàn khỏe mạnh, thỉnh thoảng có các rối loạn trong cơ thể. Những người này nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm và bổ sung dinh dưỡng kịp thời. Người trẻ tuy ít mắc các bệnh mãn tính, nhưng cũng nên sử dụng thực phẩm chức năng khi cần thiết và dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Câu hỏi 5: Cách bảo quản thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe? Nếu bảo quản không tốt thì có ảnh hưởng đến chất lượng không?

Theo lời Bác sĩ Trung chia sẻ “Các loại thực phẩm chức năng có chứa phụ gia và chất bảo quản, vì vậy cần kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng, và tuân theo hướng dẫn bảo quản trên bao bì. Sản phẩm bị hư hỏng sẽ gây hại cho sức khỏe do nhiễm vi khuẩn, vi trùng hoặc biến đổi về vật lý và hóa học.”

Câu hỏi 6: Cách chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ để tránh loét và phục hồi tốt nhất?

Ngay từ đầu, nên lập kế hoạch điều trị loét cho bệnh nhân. Cần xoay trở, tránh để bệnh nhân tì đè một chỗ, vệ sinh thường xuyên các vùng như tai, mũi, họng, lưng, mông, và đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Tăng cường tuần hoàn máu để chống loét là rất quan trọng.

Câu hỏi 7: Người nhà có thể tự theo dõi các chỉ số của bệnh nhân không? Có cần thiết bị đặc biệt không?

Không cần thiết bị đặc biệt. Các chỉ số và tình trạng có thể được theo dõi qua biểu hiện của tri giác như bệnh nhân nói năng như thế nào, có tỉnh táo không, có tự ăn uống, tiểu tiện được không, nên đo huyết áp cho bệnh nhân thường xuyên (nếu có máy đo huyết áp tại nhà). Việc ghi chép lại các chỉ số này rất quan trọng để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh nhân.

Câu hỏi 8: Các giải pháp phòng ngừa đột quỵ tốt nhất?

Cuối chương trình Bác Sĩ CKII Lê Điền Trung đã đưa ra lời khuyên cho chúng ta như sau:

  • Thường nên kiểm tra sức khỏe định kỳ

  • Người lớn tuổi cần khám kỹ lưỡng hơn để phát hiện bệnh nền và tuân thủ điều trị.

  • Cần có lối sống lành mạnh, biết cách sơ cứu cơ bản với người bị đột quỵ và hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh chóng, kịp thời.

  •  Mỗi nhà nên có một bác sĩ gia đình để nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng nhất.