VOH 33: Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân đột quỵ giai đoạn phục hồi chức năng

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tàn tật lâu dài, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vậy làm thế nào để chăm sóc người bệnh trong giai đoạn phục hồi chức năng? Những biện pháp nào có thể giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, đồng thời giảm thiểu các biến chứng?

Trong chương trình "VOH Sức khỏe và cuộc sống" số 33 ngày 14/06/2024, BTV Kim Ngân đã cùng Bác sĩ CKII Lê Điền Trung - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến tại Bệnh viện Trưng Vương - chia sẻ những kiến thức hữu ích về cách chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân đột quỵ, giúp khán-thính giả nắm rõ hơn về quy trình phục hồi và hỗ trợ người thân trong giai đoạn quan trọng này.

Hình ảnh sản phẩm

Đầu tiên, nói về Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau đột quỵ: Phục hồi chức năng sớm giúp giảm biến chứng, cải thiện khả năng nuốt và vận động, tránh suy dinh dưỡng, teo cơ, cứng khớp, và lở loét. Đồng thời, phục hồi sớm còn hạn chế di chứng thể chất và tâm lý, giúp bệnh nhân giảm tự ti và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời giảm gánh nặng cho người chăm sóc.

Thời điểm phục hồi chức năng có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả? 

Theo Bác sĩ Trung, "Phục hồi chức năng càng sớm thì hiệu quả càng cao". Các nguyên tắc khi phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ gồm:

  • Thực hiện càng sớm càng tốt, ngay sau khi bệnh nhân được cấp cứu và tình trạng ổn định.

  • Tuân thủ kỹ thuật điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế.

  • Điều trị y khoa chính xác và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

  • Gia đình cần kiên nhẫn, thường xuyên động viên bệnh nhân.

Kỹ năng của người chăm sóc bệnh nhân trong quá trình phục hồi:

  • Hợp tác chặt chẽ với chỉ đạo và hướng dẫn của bác sĩ.

  • Quan sát tình trạng và phát hiện các biểu hiện bất thường.

  • Động viên và đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình phục hồi.

  • Nhận biết các triệu chứng tái phát của đột quỵ.

  • Biết sơ cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở điều trị kịp thời.

Để phòng tránh nguy cơ bị đột quỵ, chúng ta nên làm gì?

  • Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ của đột quỵ.

  • Điều trị tích cực các bệnh lý nền và yếu tố nguy cơ.

  • Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ và tập thể dục đều đặn.

Ngoài ra, các dấu hiệu sớm như méo miệng, tay chân yếu, khó cầm nắm, và nói khó khăn có thể là cảnh báo sớm những người có nguy cơ bị đột quỵ.